Hoạt động Bảo_Chấn

Thời gian đầu

Là con trưởng, ngay từ nhỏ Bảo Chấn đã được cha hướng vào con đường khác không liên quan đến âm nhạc. Ông học trường dòng Công giáo, chỉ học tốt thì cuối tuần mới được cho phép về nhà thăm gia đình. Có lần trước khi được đưa về nhà, cha ông tạt ngang Trường Quốc gia Âm nhạc Huế để đón Bảo Phúc (em kế của anh) về chung, đó là giờ học tấu nhạc. Tại buổi học này, trong lúc cả lớp tấu nhạc bằng tay sai thì Bảo Chấn nhịp tay không sai một nốt. Thầy giáo thấy năng khiếu âm nhạc ở Bảo Chấn và khuyến khích gia đình cho ông theo học nhạc.[4]

Ông tốt nghiệp trường nhạc Sài Gòn năm 1968. Trước năm 1975, Bảo Chấn nổi tiếng là một nhạc công chơi piano, ông kinh qua nhiều phòng trà nổi tiếng. Các danh ca như Khánh Ly, Ý Lan thường xuyên "kéo" Bảo Chấn đi biểu diễn. Bảo Chấn được mời rất nhiều show, và tiền cát-xê khi ấy lớn hơn rất nhiều so với tiền dạy nhạc của cha - nhạc sĩ Vĩnh Phan. Phòng trà Khánh Ly là nơi cuối cùng ông làm nhạc công trước khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và đất nước thống nhất.[4][5]

Sau năm 1975 ông làm việc ở các đoàn văn công Bông Hồng, Kim Cương, Bông Sen...Tại đoàn Bông Sen, ông có dịp gặp người vợ sau này. Thời đó, bà làm việc ở Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, thỉnh thoảng cũng làm MC cho các chương trình chiếu phim lớn có ông đệm đàn.[4]

Thập niên 80

Trước khi được biết nhiều tại Việt Nam, ông thường gửi các sáng tác của mình cho các trung tâm sản xuất âm nhạc tại hải ngoại. Ca khúc của ông được nhiều ca sĩ hải ngoại trình diễn.

Biến chuyển lớn nhất tạo bước ngoặt sáng tác nhạc nhẹ của ông là khi các tụ điểm ca nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh ra đời vào khoảng những năm đầu thập kỷ 80. Ông kể lại: Lúc ấy nhu cầu giải trí của người dân thành phố rất lớn, họ cần những bài hát dễ lọt tai, nghe xong, bước ra khỏi tụ điểm ca nhạc, có thể quên liền. Trong mỗi ca khúc già có trẻ có, qua phối khí phải làm mới đi, vừa giữ được tính cách mạng song song với giải trí mới của khán giả…Vừa chơi được nhạc cụ, lại hiểu được cách phối khí. Tôi rút ra những điều đó cho ca khúc của mình sau này. Tôi nhớ lúc ấy nhìn ra đời sống âm nhạc ở hải ngoại, và trên thế giới, họ phối khí hay quá, nhất là phối khí dựa trên các nhạc cụ dân tộc. Những điều đó giúp cho tôi rất nhiều trong sáng tác.[5]

Ông với người bạn thân Dương Thụ cùng nhau thành lập ban nhạc trẻ có tên là Trống Đồng. Trống Đồng sau này là một trung tâm ca nhạc nổi tiếng ở TP HCM. Sau ba tháng luyện tập, nhóm Trống Đồng trình diễn ở Sân khấu 126 để ra mắt khán giả. Ngay đêm diễn đầu tiên, khán giả đã đến đông gây kẹt xe cả khu vực bùng binh Dân Chủ. Nhưng chưa được bao lâu, cả nhóm nhận được quyết định phải giải thể.[4]

Thập niên 90

Những năm 90 được coi là thời kỳ huy hoàng của nhạc nhẹ Việt Nam cùng với đời sống sôi động của các bảng xếp hạng âm nhạc. Nửa cuối thập niên này, Bảo Chấn và Dương Thụ là hai cái tên nhạc sĩ có nhiều bài hát được yêu thích nhất lúc bấy giờ. Tình thôi xót xa, Nỗi nhớ dịu êm, Hoa cỏ mùa xuân, Bên em là biển rộng, Đêm nay anh mơ về em… thường xuyên có mặt trong top ten Làn Sóng Xanh, đưa tên tuổi của những Lam Trường, Hồng Nhung… thành các ngôi sao được nhắc đến nhiều nhất.[2]

Bên cạnh công việc sáng tác, ông cùng người em Bảo Phúc là những nhạc sĩ hòa âm phối khí nổi tiếng. Ông từng theo học lớp phối khí nhạc jazz, rock trước năm 1975. Các ca khúc do ông phối khí được đánh giá mang màu sắc tươi mới, hài hòa mà vẫn không đánh mất bản sắc. Tiêu biểu kể đến việc là việc phối khí cho album Đoản khúc thu Hà Nội của ca sĩ Hồng Nhung (Hồng Nhung vol.1). Ông còn hòa âm thành công nhiều sáng tác của mình trong album của Lam Trường và rất nhiều ca sĩ khác.[2] Trong số các nhạc sĩ hòa âm phối khí tiên phong của nhạc nhẹ Việt Nam, Bảo Chấn được xem như một đàn anh tiêu biểu.[3]

Sự kiện Tình thôi xót xa

Năm 2004, Bảo Chấn bị Hội nhạc sĩ Việt Nam cảnh cáo vì ca khúc Tình thôi xót xa của ông được coi là đạo nhạc từ ca khúc I’ve never been to me của Charlene người Mỹ và bản hòa tấu Frontier của nhạc sĩ Nhật Keiko Matsui.[6]. Trước đó, Tình thôi xót xa là một trong những bản hit thịnh hành, luôn giữ vị trí top ten Làn sóng xanh và đưa tên tuổi ca sĩ Lam Trường lên hàng ngôi sao. Từ khi mới xuất hiện cho đến khi trở thành một hiện tượng, ca khúc này đã liên tục có mặt trên màn ảnh truyền hình và các chương trình phát thanh radio. Bảo Chấn cũng cho rằng bài hát Frontier của Nhật giống 50%, bài hát I’ve never been to me của Charlene người Mỹ giống 99% Tình thôi xót xa. Trong khi ca khúc nhạc Mỹ được xác định có từ năm 1982, ca khúc Nhật có từ năm 1992.[7]

Phương tiện truyền thông trong nước cho biết nhạc sĩ Bảo Chấn đã không đưa ra được những chứng cứ về bút tích, thời gian sáng tác và năm công bố của Tình thôi xót xa. Khi kiểm tra lại hồ sơ xin gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam của ông, Bảo Chấn đã ghi năm sáng tác là 1994, sau thời điể̉m các ca khúc nước ngoài phát hành. Trong thư gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngày 31 tháng 5 năm 2004, ông viết: Tôi thật sự lấy làm tiếc và xin lỗi bạn nghe nhạc vì sự cố không mong muốn này. Xin cảm ơn những đóng góp chân tình của báo chí, đài và bạn nghe nhạc. Điều này giúp tôi trưởng thành hơn trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình. Tình thôi xót xa ngay sau đó được chính nhạc sĩ Bảo Chấn xin thôi phát trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Vụ việc đã gây xôn xao trong dư luận, và mở đầu cho một cuộc tranh luận về sự sao chép nhạc ở Việt Nam.[8][9] Cũng trong năm 2004 Cục biểu diễn nghệ thuật đã có danh sách 70 ca khúc bị nghi là đạo nhạc trên cơ sở bộ đĩa "101 Copy-cover 2004" để đặt vấn đề nghi vấn. Theo đó, ngoài Bảo Chấn thì Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Nguyễn Hà, Phương Uyên, Lê Quang, Quang Huy… cũng là những nhạc sĩ trẻ bị nghi có sáng tác liên quan đến đạo nhạc.[9][10]

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lê Tiến Thọ ngày 7 tháng 4 năm 2004 cho rằng...Tuy nhiên, về nguyên tắc thì nếu có đơn kiện, tức là có bên nguyên bên bị, thì chúng tôi mới thành lập một Hội đồng thẩm định. Còn nếu không ai đưa đơn thì mình thành lập để làm gì! Để khẳng định điều này cũng còn nhiều vấn đề.....[10] Riêng nữ nhạc sĩ Keiko Matsui không muốn kiện nhạc sĩ Bảo Chấn mà chỉ muốn nhận một lời xin lỗi.[10]

Hoạt động sau sự kiện Tình thôi xót xa

Vụ việc liên quan đến tác quyền ca khúc Tình thôi xót xa là một cú sốc lớn khiến Bảo Chấn phải nhập viện và gần như ngừng lại toàn bộ các hoạt động âm nhạc trong suốt 10 năm. Quãng thời gian ấy ông lặng lẽ cộng tác cùng đồng nghiệp, đứng đằng sau phối khí cho rất nhiều ca sĩ, album nổi tiếng. Có đến 90% nhạc phối khí để biểu diễn ở hải ngoại được cho là làm ở Việt Nam, và Bảo Chấn đóng góp không nhỏ trong số ấy.[11]. Ông vẫn âm thầm sáng tác thường xuyên, có dự định phát hành album mới.[12]

Tháng 7 năm 2010, chương trình 'Nỗi nhớ dịu êm', đêm nhạc khắc họa chân dung, vinh danh nhạc sĩ Bảo Chấn diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội với phần trình diễn của nhiều ca sĩ nổi tiếng thành công từ nhạc của ông.[13]

Năm 2013, ông trở lại với những hoạt động sôi nổi hơn. Sau khi tham gia đêm nhạc của danh ca Pháp Christophe, Bảo Chấn kết hợp với nhạc sĩ Quốc Bảo, một cộng sự lâu năm, trong chuỗi dự án âm nhạc của hai người, bắt đầu từ chương trình Phố mùa đông diễn ra ở phòng trà Đồng Dao vào tháng 12 năm 2013. Ông cũng dự định cùng Quốc Bảo ra một album mới mang màu sắc dân gian, âm hưởng ngũ cung.[12]

Thỉnh thoảng ông vẫn xuất hiện ở một số sự kiện âm nhạc như làm khách mời liveshow tháng 8 của chương trình Bài hát yêu thích năm 2013 [14], khách mời trong liveshow Dấu ấn của ca sĩ Lam Trường diễn ra vào tháng 4 năm 2014.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảo_Chấn http://www.bluemelodyvn.com/baophuc/begin.php?mode... http://ngoisao.net/tin-tuc/hau-truong/bao-chan-sau... http://ngoisao.net/tin-tuc/hau-truong/bao-chan-tra... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/lang-nha... http://www.vietnhac.org/baivo/baochan.html http://www.vietnhac.org/baivo/ht-ha-pk.html http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/stor... http://dantri.com.vn/van-hoa/nhac-si-bao-chan-hay-... http://maivang.nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/ban-thu... http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140324/lam-tru...